Viết hơn 120 vở kịch, 20 lần đoạt giải nhất, Sophocle (496-406 tr.c.n) là nhà viết kịch-thơ vĩ đại của sân khấu Athen. Công diễn năm 428 TCN, tác phẩm Eudipe làm vua tiêu biểu nhất cho sự nghiệp sáng tác của Sophocle khi “Ca ngợi ý thức trách nhiệm của một nhà cầm quyền đối với vận mệnh nhân dân… Phản ánh ý chí tự do của con người trong cuộc xung đột với ý chí thần thánh, số mệnh”(2).
Cốt truyện Eudipe làm vua xoay quanh lời sấm ngôn cho biết vua Laios sẽ chết bởi đứa con mình sinh ra và nó sẽ lấy hoàng hậu Jocaste (mẹ) làm vợ. Vì thế “Đứa con vừa sinh ra ba ngày, Laios đã buộc cả hai chân giao cho một người ngoài (người chăn cừu) ném xuống thung lũng hẹp của một dãy núi cao”(3). Nhưng người chăn cừu đã trao đứa bé cho gã khách lạ mang sang nước láng giềng, đặt tên là Eudipe Vì bị trói chân sưng nên người khách lạ đặt tên Eudipe(4). Sau đó Eudipe được người khách lạ tặng cho vua Polybe và hoàng hậu Mérope. Tình cờ một hôm Eudipe biết được ông là con nuôi, qua một gã say rượu. Eudipe buồn bã, bỏ nhà đi đến Delphes(5); thần Apollo(6) phán “Ta (Eudipe) sẽ là tên hung thủ giết cha, là người chồng của mẹ, rằng ta sẽ sinh ra một giống nòi kinh tởm trước con mắt người trần”(7). Để tránh số mệnh đó, Eudipe đi thật xa, nhưng nào ngờ hướng đi đó lại về quê hương nơi cha mẹ ruột ông sinh sống. Lời sấm ngôn ứng nghiệm, Eudipe đã giết cha (tức vua Laios) cùng đoàn tùy tùng tại một ngã ba đường. Eudipe vào thành Teb tiêu diệt được con nhân sư Sphinx(8), lên làm vua, lấy hoàng hậu Jocaste (mẹ ruột) làm vợ và sinh ra được hai con. Khi biết mình là hung thủ giết cha cưới mẹ, Eudipe đau khổ cùng cực, tự đâm thủng đôi mắt chịu kiếp mù lòa.
Một cảnh trong tác phẩm Eudipe
Tương tự như thế, Phật giáo có truyện vua A-xà-thế (rải rác trong các bộ kinh), được nhiều người biết đến, khá gần gũi Eudipe làm vua. Vua Tần-bà-ta-la và hoàng hậu Vi-đề-hi cầu sanh con quý. Vì có lòng tin tưởng nên thần mách bảo trên núi cách thành mấy dặm có vị tiên đang tu mạng chung sẽ làm con vua. Dù thọ mạng của vị tiên vẫn còn ba năm nhưng vua, vì nôn nóng nên ép vị tiên chết sớm. Trước khi chết ông nói rằng lúc vào làm con, tôi sẽ hại vua mà đoạt ngôi. Sau khi sanh ra vì một tai nạn, thái tử gãy một ngón tay. A-xà-thế lớn lên đã thực hiện lời xưa hại chết vua cha và giam mẹ mình vào ngục. Thời gian sau vua A-xà-thế biết tội nên đến gặp Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh, để đạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chặn về tương lai”(9). Đức Phật chấp nhận hướng dẫn cho ông sám hối trở thành Phật tử tục gia, trị nước anh minh, hùng mạnh và ủng hộ Phật giáo.
Hai câu chuyện cho ta cái nhìn song chiếu thú vị. Truyện Eudipe làm vua nêu lên thuyết định mệnh của triết học phương Tây. Truyện vua A-xà-thế nhấn mạnh về Nhân quả, Nghiệp báo. Hai nhân vật Eudipe và A-xà-thế, đều rơi vào bi kịch. Eudipe bị ràng buộc bởi số mệnh, điều này được nêu ra trong kịch, thần thoại và triết học Hy Lạp khá rõ. Theo đó, thần linh nắm vai trò quyết định số mệnh con người nhưng tâm tính khá bất thường, có nhiều quyết định mang tính chất vô lý, phi nhân quả; con người mê tín, tin tuyệt đối vào những lời sấm truyền. Vật lộn với số mệnh là chủ đề lớn của nền tư tưởng Hy Lạp cổ đại. Hành động của con người hoàn toàn vô nghĩa, họ đấu tranh trong thất bại. Số mệnh luôn đẩy người ta vào góc khuất của lý trí và gắn cho nó cái tên vô thức. Eudipe muốn tránh tội lỗi nhưng không ai ủng hộ, mặc nhiên phải tuân thủ định mệnh. Mọi người chê trách, thần phán quyết, xã hội ruồng bỏ… Eudipe phải đâm thủng đôi mắt mang kiếp mù lòa, chịu cho đời nguyền rủa. Cốt truyện đúng với tư tưởng bi kịch triết học phương Tây mà Aristotle khẳng định “Bi kịch mô phỏng hành động, nó mô phỏng những con người đang hành động”(10). Cho nên, “Hành động và cốt truyện làm thành mục đích của bi kịch”(11). Eudipe xa quê hương thứ hai của mình khi được thần mách bảo để tránh tai họa giết cha cưới mẹ, trọn đạo làm con, nhưng thiện chí đó, lại đưa ông về nơi quê hương củ nơi cha mẹ ruột ông sinh sống và bi kịch đến với ông. Giác ngộ trong khổ đau khi tự đâm vào mắt chịu kiếp mù lòa chính là thành phần thứ ba của bi kịch (đau khổ) mà Aristote xác định, vì thế mà trừng phạt trở thành motif phổ biến của văn học phương Tây.
Đức Phật không chấp nhận yếu tố định mệnh bởi nó chỉ khiến con người bi quan yếm thế, không nỗ lực vượt qua chính mình. Đạo Phật cho rằng con người sinh ra và tồn tại hoàn toàn do sự chi phối của Nhân quả, Nghiệp báo. Trong Kinh tạng Nikaya, Đức Phật dạy: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu”(12) . Đạo Phật luôn hướng con người xóa bỏ mặc cảm tội lỗi để trở thành người tốt. Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Người có lỗi lầm mà biết sám hối, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian, là vầng trăng ra khỏi mây mù”. Sám hối cần nhất là phát lộ và nhận lỗi, ăn năn lỗi đã tạo, ngăn những lỗi lầm không cho phát sanh, phát huy việc thiện. Người trí được Đức Phật tán thán là người nhìn thấy và sửa đổi lỗi lầm. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có hai loại người có trí. Thế nào là hai? Người có phạm tội là thấy có phạm tội, và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình”.
Eudipe và A-xà-thế đều là các nhân vật cao quý bậc nhất trong xã hội, nhưng khi bi kịch đến thì mỗi vị có lối thoát riêng qua sự sám hối và chuyển hóa tự tâm. Vua A-xà-thế là một minh chứng về nhận thức của Phật giáo, khi nhận lỗi, sửa lỗi sẽ được thăng hoa trong cuộc sống. Phật giáo không những chỉ giáo hóa người thuộc giai cấp cao quý mà còn chuyển hóa cho những người thuộc giai cấp thấp. Đó là trường hợp của tướng cướp sát nhân Angulimala (chàng Vô Não) trong kinh Trung Bộ II. Hắn giết đến 999 người nhưng được Phật khai thị về ý nghĩa đạo lý làm người. Nhờ vậy, Angulimala sám hối tội lỗi và phát nguyện xuất gia tu hành, chứng A-la-hán quả. Tinh thần bình đẳng không phân chia giai cấp của Phật giáo đã được truyền dạy hơn 26 thế kỷ cho đến hôm nay vẫn được đệ tử Ngài ứng dụng tu tập. Điều đó khẳng định rằng không một ai bị phụ thuộc vào số mệnh do người khác đem đến. Ta là chủ nhân nên có quyền chuyển đổi vận mệnh chính mình. Bi kịch Eudipe qua lăng kính Nhân quả, Nghiệp báo của Phật giáo không chỉ giúp ta nhìn rõ hơn về xã hội Hy Lạp cổ đại mà còn nhìn thấu sự yếu đuối của con người ngày nay: Vẫn còn tin vào số mệnh mà bói toán, cầu cúng…
Hai cốt truyện có cấu trúc giống nhau nhưng cách xử lý vấn đề thì khác biệt dù hai nhân vật trung tâm đều mang bi kịch. Chân sưng (Eudipe) hay gãy ngón tay (Bà-la-lưu-chi) là những dấu hiệu của đau khổ trong cuộc đời. Hoặc trốn chạy sự ám ảnh bởi số mệnh theo triết học Hy Lạp hay tinh tấn tu học để chuyển hóa ác nghiệp theo Phật giáo, ta có quyền lựa chọn. Vận mệnh, nếu có, nằm trong quyết định của chính ta. Hiểu rõ hai bi kịch này thì mới thấy Phật học không bi quan yếm thế, bởi qua Nhân quả, Nghiệp báo mà con người tìm ra phương cách đúng đắn để giải quyết vấn đề. Người phạm lỗi được sám hối và tu tập chuyển hóa thân tâm thì có thể đạt đến thánh thiện, giác ngộ.
Thích Thiện Hưng
(Trích từ Tạp chí Phật học Từ Quang tập 14 – tr.166)
________________
Chú thích:
- Nhân quả, Nghiệp báo là giáo lý quan trọng trong Phật giáo.
- Sophocle, Eudipe làm vua, Hoàng Hữu Đản dịch, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1984, tr.7.
- Sđd, tr.47.
- Vì bị trói chân sưng nên người khách lạ đặt tên Eudipe.
- Ph. Delphes; HL. Delphoi, thành phố cổ Hy Lạp ở phía Tây Nam Phôkiđa (Ph. Phocide), trung tâm tôn giáo toàn Hy Lạp đền thờ nổi tiếng với sấm truyền của thần Apollo.
- Apollo là vị thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp.
- Sđd, tr.50.
- Quái vật này ra câu hỏi nếu không trả lời được nó sẽ giết, ai trả lời được nó sẽ tự chết.
- Trường Bộ Kinh, kinh Sa môn quả, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB, Tôn giáo, 2005, tr.157.
- V.Y. Kantak, Pespectives on Indian Literary Culture, Dehli, 1996, p.37.
- Aristotle, Sđd, tr.36.
- Trung bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB, Tôn giáo, 2001, tr.474.